Hiện nay ô nhiễm môi trường đang là vấn đề đe dọa đến sức khỏe người dân trên toàn thế giới. Đặc biệt tại Việt nam thời gian chuyển giao giữa các mùa trong năm, thời tiết ấm, ẩm, nồm… là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại vi khuẩn, vi rút, các côn trùng truyền bệnh như ruồi, muỗi, chuột, gián… sinh sôi phát triển, làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại dịch bệnh, đặc biệt các bệnh thuộc nhóm lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa, bệnh lây qua trung gian truyền bệnh như: cúm, sởi, thủy đậu, rubella, tay chân miệng, sốt xuất huyết, viêm não,tiêu chảy cấp…
Ngoài ra khi chuyển mùa sự thay đổi thất thường của nhiệt độ, độ ẩm còn ảnh hưởng lớn đến khả năng thích ứng của con người.Với những người mắc bệnh mạn tính, người già, trẻ em thì đây là thời gian bệnh dễ tiến triển thành các đợt cấp, nặng hơn.
Để hạn chế nguy cơ dịch, bệnh trong các thời điểm giao mùa trong năm người dân nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:
Phòng đối với các bệnh lây qua đường hô hấp
– Cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch. Súc miệng, họng bằng nước muối loãng hoặc các dung dịch sát khuẩn. Che miệng, mũi bằng khăn giấy, khăn tay hoặc nếp gấp khủy tay khi ho hắt hơi.
– Vệ sinh nhà ở, nơi làm việc, giữ cho thông thoáng. Thường xuyên lau bằng nước sát khuẩn, vệ sinh khử khuẩn các đồ dùng, dụng cụ, bề mặt sàn nhà, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, ổ cắm, công tắc điện, nơi tiếp xúc động chạm bàn tay nhiều…
– Khi có triệu chứng hô hấp không tụ tập, tiếp xúc nơi đông người. Khi tiếp xúc với người bệnh, cần đeo khẩu trang và sử dụng các phương tiện phòng hộ.
– Tiêm chủng đầy đủ phòng các bệnh đã có vắc xin như: cúm, sởi, thủy đậu, rubella…
– Tăng cường sức khỏe bằng cách ăn uống đầy đủ, nghỉ ngơi hợp lý, luyện tập thể dục thể thao hàng ngày.
Phòng các bệnh lây qua đường tiêu hóa
– Thường xuyên nên rửa tay với xà phòng và nước sạch, nhất là trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
– Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm: “ăn chín, uống sôi”, không ăn các thức ăn sống, tái như tiết canh, nem chua, chạo chua, các món gỏi…
– Thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi của trẻ em, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn, ghế, sàn nhà bằng hóa chất khử khuẩn, xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
– Phân loại, quản lý rác thải đúng nơi quy định, xa nguồn nước. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.
– Thực hiện tiêm, uống vắc xin phòng các bệnh như viêm dạ dày, ruột do Rota vi rút, viêm gan A…
Phòng các bệnh do côn trùng gây ra:
– Vệ sinh nhà ở, môi trường sạch sẽ, phát quang bụi rậm, phòng chống nước đọng, hạn chế nơi ấn náu, sinh sống của côn trùng và động vật hoang dã. Giữ nhà ở thông thoáng sạch sẽ. Tiêu diệt, ngăn chặn, loại bỏ các điều kiện để côn trùng truyền bệnh như ruồi, muỗi, chuột, gián sinh sôi, nảy nở.
– Bảo vệ không để côn trùng đốt, hoặc vào nhà như: ngủ màn, lưới chắn muỗi, bôi thuốc xua đuổi côn trùng, lưới che chắn cửa …
-Phun hóa chất diệt côn trùng có cánh gây bệnh 3-6 tháng/ 1 lần phòng chống dịch bệnh.
– Tiêm phòng đối với bệnh viêm não Nhật Bản, là bệnh duy nhất do côn trùng truyền hiện có vắc xin phòng bệnh.
Phòng bệnh đối với người già, người có bệnh lý nền và trẻ em:
Đối với trẻ em, người cao tuổi và người có các bệnh lý nền như bệnh tim mạch, huyết áp, tiểu đường… là những người có sức đề kháng yếu dễ mắc bệnh, hoặc khi mắc bệnh thường bị nặng hơn thì cần được đặc biệt chú ý bảo vệ sức khỏe, nâng cao sức đề kháng thông qua dinh dưỡng, sinh hoạt, tập luyện, nghỉ ngơi hợp lý, khoa học; điều trị và kiểm soát tốt các bệnh lý nền theo hướng dẫn của bác sỹ.
Khi có các biểu hiện bất thường về sức khỏe, người dân cần đến cơ sở y tế gần nhất khám và điều trị phòng ngừa các biến chứng có thể xảy ra.
Việc chủ động phòng các bệnh thường mắc phải lúc giao mùa và bảo vệ cảnh quan, vệ sinh môi trường và phòng chống dịch bệnh của mỗi cá nhân không chỉ đem lại những lợi ích về sức khoẻ cho bản thân mà còn có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với cộng đồng, giúp phòng tránh dịch chồng dịch, kiểm soát bệnh tật và các gánh nặng chi phí do một lúc phải đối phó với nhiều loại bệnh dịch gây nên, đồng thời phòng ngừa sự quá tải trong hệ thống y tế.