Bác sỹ Bệnh viện đa khoa huyện Chương Mỹ phối hợp với các Bác sỹ Bệnh viện Nhi Hà Nội thực hiện phẫu thuật thành công ca bệnh Tinh hoàn lạc chỗ 2 bên cho trẻ nhi 16 tháng tuổi.

Kíp gây mê, phẫu thuật là các Bác sỹ khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức và khoa Ngoại Bệnh viện đa khoa huyện Chương Mỹ phối hợp với các Bác sỹ Bệnh viện Nhi Hà Nội phẫu thuật thành công trường hợp trẻ nhi 16 tháng tuổi, cân nặng 9 kg với chẩn đoán: Tinh hoàn lạc chỗ 2 bên.

Ngày 16/4/2025 khoa Ngoại BV đa khoa huyện Chương Mỹ tiếp nhận trường hợp trẻ nhi: L.Đ.K, 16 tháng tuổi, Chẩn đoán: Tinh hoàn lạc chỗ 2 bên. Sau khi vào viện, bệnh nhi được hội chẩn và phẫu thuật thành công hạ tinh hoàn 2 bên với sự hỗ trợ của bác sỹ Bệnh viện Nhi Hà Nội.

 TÌM HIỂU VỀ TINH HOÀN LẠC CHỖ Ở TRẺ EM

Cha mẹ đừng chủ quan – Phát hiện sớm để bảo vệ sức khỏe sinh sản cho con!

Tinh hoàn lạc chỗ (hay còn gọi là tinh hoàn ẩn) là một tình trạng bẩm sinh, khi một hoặc cả hai tinh hoàn không nằm đúng vị trí trong bìu mà “lạc” ở bụng hoặc ống bẹn. Tình trạng này xảy ra ở khoảng 3-5% trẻ sơ sinh đủ tháng, và có tỷ lệ cao hơn ở trẻ sinh non.

Nguyên nhân là gì? Tinh hoàn hình thành trong bụng khi bé còn trong bụng mẹ, sau đó sẽ di chuyển xuống bìu trước khi bé chào đời. Nếu quá trình này bị gián đoạn, tinh hoàn có thể bị “kẹt lại” ở đâu đó – và đó là lúc bé bị tinh hoàn lạc chỗ.

 Làm sao để nhận biết?

– Cha mẹ có thể tự kiểm tra tại nhà hoặc trong quá trình tắm cho bé.

Chỉ thấy một bên bìu có tinh hoàn, bên còn lại trống.

– Sờ không thấy tinh hoàn ở bìu.

– Bìu bên không có tinh hoàn thường nhỏ hơn bên kia.

Tuy nhiên, việc khám lâm sàng và siêu âm là cần thiết để xác định chính xác tình trạng tinh hoàn của trẻ.

Tinh hoàn lạc chỗ có nguy hiểm không? Có!

Nếu không được can thiệp sớm, tinh hoàn lạc chỗ có thể gây:

– Giảm khả năng sinh sản về sau.

– Nguy cơ ung thư tinh hoàn cao hơn.

– Nguy cơ xoắn tinh hoàn, gây đau và hoại tử.

– Tự ti về hình thể khi bé lớn lên.

Khi nào cần can thiệp? Trong 6 tháng đầu đời, nhiều trường hợp tinh hoàn sẽ tự xuống bìu. Nếu sau 6 tháng vẫn chưa thấy tinh hoàn xuống, bác sĩ có thể chỉ định điều trị bằng thuốc hormone hoặc phẫu thuật. Phẫu thuật thường được thực hiện khi bé khoảng 1 tuổi  càng sớm càng tốt để tránh biến chứng.

Lời khuyên cho cha mẹ:

– Đừng ngại ngần trao đổi với bác sĩ nếu thấy bất thường ở bìu của bé.

– Hãy đưa trẻ đi khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt là trong năm đầu đời.

– Phát hiện và điều trị sớm giúp bảo vệ chức năng sinh sản và sức khỏe lâu dài cho con yêu.

Cha mẹ là người đồng hành quan trọng nhất trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản của con trẻ. Đừng chần chừ khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào nhé!

Hiện nay khoa Ngoại – Bệnh viện đa khoa huyện Chương Mỹ đã tiếp nhận và phẫu thuật thành công các trường hợp tinh hoàn lạc chỗ ở nhiều lứa tuổi khác nhau.

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *